Chuyên mục
Ảnh liên kết
Văn Bản Hướng Dẫn
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
15
2935551

Đổi mới và Sáng tạo thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

21/04/2024 07:00 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Tilte 2.jpg

Ngày 21/4 hàng năm được Liên hợp quốc (UN) chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (The World Creativity and Innovation Day) nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triến kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.

Tại Việt Nam, đổi mới - sáng tạo đang là thuật ngữ phổ biến và được sử dụng rất nhiều trong nghiên cứu khoa học. Hầu hết các học giả tại Việt Nam cũng như một số nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn sử dụng đồng nhất thuật ngữ đổi mới - sáng tạo và không có sự phân biệt rõ ràng giữa 2 khái niệm này.

Bên cạnh đó, có nghiên cứu còn cho rằng đổi mới chính là sáng tạo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã phát triển “đổi mới” từ việc chỉ nghĩ về khái niệm đến thực hiện thành công, từ khái niệm tĩnh trở thành tiến trình động. Quá trình nhận thức và tạo ý tưởng mới được xem là giai đoạn khởi đầu của đổi mới. Bước quan trọng để hoàn thành đổi mới là làm thế nào để có được sự hỗ trợ của người phê duyệt, thúc đẩy khái niệm và đưa đổi mới vào thực tế. Điều này làm cho đổi mới và khái niệm đổi mới phù hợp với nhau.

Ngoài ra, đổi mới còn được xem là yếu tố then chốt quyết định tới sự thành công của doanh nghiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, đổi mới còn được biết đến rộng rãi như là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững trong môi trường kinh doanh đầy biến động như hiện nay. Bởi vì, đổi mới dẫn tới những thay đổi nhanh chóng về sản phẩm và dịch vụ, khiến cho đối thủ cạnh tranh không thể bắt chước trong thời gian ngắn, nên sẽ giúp cho doanh nghiệp đạt được lợi nhuận tương đối cao. Tuy nhiên, mọi đổi mới trong doanh nghiệp đều xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo của người lao động. Những ý tưởng mới của người lao động sẽ được đánh giá bởi các nhà quản trị và áp dụng trong toàn bộ doanh nghiệp để tạo ra những quy trình đổi mới.

SANG TAO.jpg

1. Sáng tạo

Nhà kinh tế chính trị người Áo Schumpeter (1934) đã đưa ra định nghĩa: Sáng tạo (Creativity) là việc người lao động sử dụng các hoạt động nhận thức để đưa ra những ý tưởng mới trong doanh nghiệp. Những ý tưởng này được người lao động hình thành thông qua quá trình học tập, làm việc và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Những ý tưởng của người lao động có thể xuất phát từ việc suy nghĩ làm sao để cải tiến công việc và nâng cao năng suất đối với công việc cụ thể. Ngoài ra, khi đứng trước vấn đề mới phát sinh, lần đầu xảy ra trong doanh nghiệp, người lao động đôi khi lại đưa ra được những ý tưởng hoàn toàn mới để giải quyết vấn đề này. Tất cả những ví dụ trên cho thấy, sáng tạo đều xuất phát từ suy nghĩ và ý tưởng của người lao động, đồng thời được người lao động hình thành trong quá trình thực hiện và giải quyết các công việc cụ thể trong doanh nghiệp. Tính sáng tạo là yếu tố đầu tiên và là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có được những phát minh mới và từ đó là tiền đề cơ bản của những đổi mới trong doanh nghiệp.

Có thể nói rằng, những doanh nghiệp có nhiều lao động sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới hơn các doanh nghiệp khác, qua đó thúc đẩy quá trình cải tiến sản phẩm để nâng cao sự cạnh tranh trên thị trường, cũng như thu hút thêm được các khách hàng tiềm năng, giúp nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp.

DOI MOI.jpg

2. Đổi mới

Hiện nay, các học giả trên thế giới đã đưa ra nhiều khái niệm về đổi mới, theo Amablile và cộng sự (1996) định nghĩa đổi mới là việc thực hiện thành công các ý tưởng sáng tạo của người lao động trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số học giả khác cho rằng, đổi mới xuất phát từ việc ứng dụng và phát triển tri thức mới trong các doanh nghiệp. Ví dụ, đổi mới là việc biến các ý tưởng mới và tri thức mới trở thành những sản phẩm, quy trình và dịch vụ mới để nâng cao lợi thế cạnh tranh và đáp ứng những nhu cầu đang thay đổi từ phía khách hàng (Nymstrom, 1990).

Ngoài ra, nhiều học giả cho rằng, đổi mới phải liên quan tới “phát minh” và “thương mại hóa”. Bởi vì, khía cạnh quan trọng của đổi mới là phải tạo ra được lợi nhuận và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Việc tạo ra ý tưởng mới và áp dụng những ý tưởng mới này để tạo ra những sản phẩm và quy trình mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của đổi mới trong doanh nghiệp (Schumpeter, 1934). Do đó, để trở thành đổi mới, các ý tưởng cần được phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.  

Tóm lại, Đổi mới là quá trình doanh nghiệp chuyển hóa các ý tưởng của người lao động thành các sản phẩm và quy trình mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, những ý tưởng mới của người lao động là điểm khởi đầu cho quá trình đổi mới của doanh nghiệp.

3. Sự khác biệt giữa sáng tạo và đổi mới

Dựa trên việc tổng quan nghiên cứu các khái niệm liên quan tới đổi mới và sáng tạo, sự khác biệt giữa 2 thuật ngữ này được giải thích như sau:

Thứ nhất, sáng tạo là điểm khởi đầu cho quá trình đổi mới. Sáng tạo chỉ đơn thuần là suy nghĩ của người lao động về điều gì đó khác lạ và độc đáo. Trong khi đó, đổi mới là quá trình chuyển hóa ý tưởng của người lao động trở thành sản phẩm/dịch vụ mới có ích và mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.

Thứ hai, sáng tạo là hoạt động tri thức và tinh thần của người lao động nhằm đưa ra ý tưởng mới. Còn đổi mới là việc áp dụng những ý tưởng mới vào thực tế công việc tại doanh nghiệp.

Thứ ba, sáng tạo là việc hình thành nên những ý tưởng của người lao động, nên rất khó để đo lường. Trong khi đó, đổi mới có thể được “phát minh” và “thương mại hóa” nên rất dễ để đo lường. Việc đo lường đổi mới có thể được đánh giá thông qua các bằng sáng chế, hoặc doanh thu từ việc bán các sản phẩm hay dịch vụ mới.

Thứ tư, về trách nhiệm pháp lý, sáng tạo chỉ là ý tưởng được hình thành trong suy nghĩ và tiềm thức của người lao động, nên những sáng tạo khi chưa được chuyển hóa thành các sản phẩm và dịch vụ thì không gây ra bất cứ tổn hại nào, nên không bị ràng buộc bởi trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, đổi mới là quá trình để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới, nên có thể gây ra những tổn hại cho doanh nghiệp hoặc xã hội. Vì vậy, đổi mới liên quan tới trách nhiệm pháp lý khi đổi mới trở thành hiện thực.

Thứ năm, sáng tạo không cần bất kỳ nguồn lực nào từ doanh nghiệp. Bởi vì sáng tạo đơn thuần chỉ là suy nghĩ của người lao động. Tuy nhiên, để chuyển hóa những ý tưởng mới thành sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới, doanh nghiệp phải cung cấp cho người lao động những nguồn lực cần thiết, như: nhân lực, tài chính hay cơ sở vật chất. Do vậy, xét về góc độ kinh tế, sáng tạo không mất chi phí, nhưng quá trình đổi mới thì cần có chi phí để thực hiện.

Thứ sáu, không phải ý tưởng sáng tạo nào trong doanh nghiệp cũng có thể biến thành đổi mới. Bởi vì chỉ có những ý tưởng khả thi, có khả năng thực hiện trong thực tế, doanh nghiệp mới đầu tư và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, mọi quá trình đổi mới đều là kết quả từ sự sáng tạo của người lao động trong doanh nghiệp.  

 Tóm lại có thể thấy rằng,

Đổi mới và sáng tạo chỉ phân biệt được khi dựa trên quá trình hình thành. Trong đó, sáng tạo là hoạt động nhận thức để hình thành nên những ý tưởng mới của người lao động. Còn đổi mới là quá trình chuyển đổi những ý tưởng sáng tạo trở thành những sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới. Do đó, sáng tạo là điểm khởi đầu của đổi mới và đổi mới là kết quả của sáng tạo.

Tất cả các doanh nghiệp muốn tồn tại và cạnh tranh trên thị trường đều phải đổi mới. Doanh nghiệp có nhiều đổi mới sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt hơn doanh nghiệp ít đổi mới. Bởi vì, khi doanh nghiệp đưa sản phẩm mới ra thị trường sẽ thu hút được khách hàng bởi những tính năng độc đáo, do đó doanh nghiệp có thể đạt được lợi nhuận tương đối cao. Tuy nhiên, những sản phẩm mới của khách hàng có thể bị bắt chước bởi những đối thủ cạnh tranh. Nhưng nếu doanh nghiệp tiếp tục cho ra đời những sản phẩm mới thì có thể đạt được lợi nhuận bền vững trong dài hạn. Chính vì vậy, doanh nghiệp luôn cần phải đổi mới sản phẩm. Để làm được điều này, các nhà quản trị cần phải tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, cũng như phòng thí nghiệm của bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp.

Bên cạnh việc vận dụng tri thức của người lao động để đưa ra những ý tưởng sáng tạo dẫn tới quá trình đổi mới, các nhà quản trị trong doanh nghiệp cũng cần phải nghiên cứu những thay đổi của đối thủ cạnh tranh, khảo sát nhu cầu của khách hàng để đưa ra những đổi mới phù hợp. Đổi mới là quá trình dựa trên sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Do đó, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được xu hướng chuyển dịch công nghệ của thị trường để đưa ra những thay đổi quan trọng của doanh nghiệp, với mục đích nâng cao lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường.

(Tổng hợp & Sưu tầm)

(Trích dẫn: tapchicongthuong.vn)

Ảnh liên kết
Video